Sổ Hồng Là Gì? Hướng Dẫn Quy Trình Thủ Tục Làm Sổ Hồng

Khi nói đến sổ hồng thì người dân sẽ nghĩ rằng đây là giấy chứng nhận được cấp cho nhà ở còn nói đến sổ đỏ thì sẽ là cấp cho đất. Vậy đây có phải là cách hiểu đúng theo quy định pháp luật Việt Nam đang hiện hành hay chưa?

Khái niệm sổ hồng là gì?

Pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ không hề có quy định về sổ hồng cũng như là sổ đỏ. Thực chất, sổ hồng chỉ là cách gọi của người dân dùng để ám chỉ giấy chứng nhận tài sản nhà dựa theo màu sắc.

Trước ngày 12/10/2009 tại Việt Nam Giấy chứng nhận có bìa màu hồng dùng để xác nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất thường gọi là sổ hồng (do Bộ Xây Dựng cấp) và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường được gọi là sổ đỏ (do Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cấp).

Nhưng từ ngày 12/10/2009, khi Nghị Định 88/2009/NĐ-CP có hiệu lực thì người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền đất được cấp duy nhất một mẫu Giấy chứng nhận mới, thống nhất chung cho cả nước Việt Nam với tên gọi là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất. Nhằm thuận tiện cho việc quản lý cũng như dễ dàng hơn cho người dân khi tiến hành làm thủ tục mua bán, chuyển nhượng, cho tặng.

Lưu ý: Từ ngày 12/10/2009, chỉ có một loại Giấy chứng nhận theo mẫu chung (có bìa màu hồng cánh sen) nhưng các loại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản dành cho đất, cho nhà và đất đã được cấp trước đó vẫn còn nguyên giá trị pháp lý và không bắt buộc phải đổi sang mẫu mới.

Tóm lại, sổ hồng chính là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất. Là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sở hữu  tài sản hợp pháp của người dân.

Sổ hồng và sổ đỏ khác nhau thế nào?

Theo mục trên, sổ hồng và sổ đỏ chỉ thật sự khác nhau khi được cấp trước ngày 12/10/2009. Từ ngày 12/10/2009 thì chủ sở hữu tài sản dù là đất hay nhà đều được cấp chung một loại giấy chứng nhận áp dụng trong phạm vi cả nước. Nên cách gọi sổ hồng hay sổ đỏ dùng để chỉ giấy chứng nhận cấp từ ngày 12/10/2009 đến nay là không khác nhau vì đều chỉ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất do Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cấp.

Khoản 2 Điều 9 Luật Đất Đai 2014 có quy định rõ: Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.

Để xem sổ hồng và sổ đỏ khác nhau thế nào trước ngày 12/10/2009, bạn có thể xem lại bài viết SỰ KHÁC NHAU GIỮA SỔ ĐỎ VÀ SỔ HỒNG.

Thông tin ghi trên sổ hồng

Khoản 1 Điều 3 Thông Tư 23/2014/TT-BTNMT, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền đất là một tờ giấy có 4 trang, in nền hoa văn trống đồng, màu hồng cánh sen và có trang bổ sung nền trắng như sau:

  • Trang 1: Chứa nội dung rất quan trọng là tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà và tài sản gắn liền đất.
  • Trang 2: Thông tin về thửa đất, nhà và các tài sản khác gắn liền đất
  • Trang 3: Sơ đồ thửa đất, ngôi nhà và các tài sản khác gắn liền với đất cùng những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận.
  • Trang 4: Những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận (ví dụ cho tặng, mua bán… sẽ ghi thông tin chi tiết, rõ ràng về việc chuyển nhượng vào trang 3 và 4)
  • Trang bổ sung Giấy chứng nhận

Trường hợp nào người dân được quyền cấp sổ hồng?

Khoản 1 Điều 99 Luật Đất Đai 2013, Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền đất cho những trường hợp sau đây:

Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền đất theo quy định tại Điều 100, 101 và 102 của Luật Đất Đai 2013.

Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày 1/7/2014

Người được phép chuyển đổi hoặc được nhận chuyển nhượng bằng thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý các hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ.

Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải đối với tranh chấp đất đai theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành.

  • Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất
  • Người sử dụng đất nằm trong các cụm – khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
  • Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền đất
  • Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền đất, người mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước.
  • Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa, nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có.
  • Người sử dụng đề nghị cấp đổi lại giấy chứng nhận bị mất hoặc đã cũ.

Hướng dẫn thủ tục làm sổ hồng mới nhất

Chuẩn bị các giấy tờ hồ sơ cần thiết theo Khoản 1 Điều 8 Thông Tư 24/2014/TT-BTNMT

  • Đơn đăng ký cấp sổ hồng theo mẫu 04a/ĐK
  • Một trong các loại giấy tờ về QSDĐ, giấy tờ về tài sản gắn liền đất
  • Chứng từ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính (biên lai nộp tiền thuế, tiền sử dụng đất…)
  • Giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính đất đai, tài sản gắn liền đất (nếu có)
  • Sổ hộ khẩu
  • Chứng minh nhân dân / thẻ căn cước
  • Giấy xác nhận tình trạng độc thân

Bước 1: Nộp hồ sơ

Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc cũng có thể nộp tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu.

Địa phương nào đã thành lập Bộ phận một cửa thì nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa.

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý

  • Nếu hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ thì phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung (thời hạn 3 ngày làm việc).
  • Nếu đủ hồ sơ thì công chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ hồ sơ vào Sổ tiếp nhận.
  • Viết và đưa phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người nộp.
  • Xử lý yêu cầu cấp sổ cho hộ gia đình, cá nhân
  • Văn phòng đăng ký đất đai sẽ thông báo các khoản tiền phải nộp cho hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu cấp sổ.
  • Hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ đóng các khoản tiền theo quy định như: Lệ phí cấp giấy chứng nhận tiền sử dụng đất (nếu có). Khi nộp tiền xong giữ lại hóa đơn, chứng từ nhằm xác nhận đã thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Bước 3: Trả kết quả

Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trao sổ hồng cho người được cấp đã nộp chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc gửi sổ hồng cho UBND cấp xã để trao giao cho hộ gia đình, cá nhân.

Thời gian cấp sổ hồng là trong bao lâu?

Thực tế, không có quy định chính xác nào về thời gian làm sổ hồng. Do đó, tùy thuộc vào thời gian thực hiện thủ tục, nghĩa vụ tài chính của bạn như thế nào mà thời gian làm sổ hồng cũng sẽ có sự xê dịch, thay đổi. Nhưng trung bình, thời gian cấp sổ hồng sau khi hoàn tất mọi thủ tục trung bình là từ 15 – 40 ngày.

Trên đây, là những quy định về sổ hồng là gì? Hướng dẫn thủ tục làm sổ hồng và thời gian cấp sổ hồng… Hi vọng thông qua bài viết này, mọi người sẽ có thêm những kiến thức bổ ích và cần thiết trên con đường làm giàu từ lĩnh vực bất động sản. Và đừng quên ghé thăm nhalocphat.vn mỗi ngày để được cập nhật những tin tức mới nhất.

Bài viết liên quan