Hiện nay, tình trạng mọi người sinh sống trên mảnh đất mua lại từ người khác nhưng chỉ có giấy mua bán viết bằng tay của đôi bên, không có bất kì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nào là rất phổ biến. Đối với các trường hợp như vậy có được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không? Và quy trình cấp cũng như hồ sơ đăng ký là như thế nào?
Theo như điều 100 Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ ràng về việc Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất, như sau:
Nếu các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà không phải nộp bất kì khoản tiền sử dụng đất nào gồm:
Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993.
Như vậy nếu xét theo quy định nêu trên, mảnh đất mà mọi người đang sử dụng nếu không có bất kì tranh chấp nào cũng như đã được UBND xã xác nhận đất đã sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993 thì gia đình đó sẽ được cấp mới lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về trình tự, thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu và đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất đã được quy định cụ thể tại Điều 70 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
Còn theo Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu rõ các quy định về hồ sơ địa chính, trong đó bao gồm các loại hồ sơ cần nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu.
Điều 60 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai tại nơi nộp hồ sơ và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, nếu mảnh đất gia đình mọi người đang sử dụng không có tranh chấp, được UBND xã nơi mọi người cư trú xác nhận đã sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993 thì đã hoàn toàn đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Do đó, mọi người có thể đến ngay Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, thành phố hoặc UBND xã, thị trấn nơi có đất để nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của chính phủ.
Xem thêm: Nếu xảy ra trường hợp mất sổ đỏ thì bạn nên làm như thế nào?
1. Hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm có đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK (ban hành kèm theo Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính).
2. Một trong các loại giấy tờ được quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định thi hành một số điều của Luật Đất đai (sau đây gọi là Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất.
3. Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Nếu mọi người đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì chắc chắn mọi người cần phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng).
4. Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
Theo batdongsan.com.vn